NƯỚC ANH: MÙA ĐÔNG KHÔNG LẠNH

NƯỚC ANH: MÙA ĐÔNG KHÔNG LẠNH

Tháng 12.2011, hành trình du học châu Âu của tôi đã dài được 15 tháng. Tôi còn 7 tháng nữa để hoàn tất chương trình học, tham gia thêm vài hoạt động xã hội, ngao du thêm vài chuyến trước khi “rinh” bằng Thạc sĩ và về Việt Nam.

Chương trình học của tôi do 5 trường đại học khác nhau của châu Âu liên kết tổ chức. Tôi học học kỳ 1 ở Anh, học kỳ 2 ở Hà Lan rồi quay lại Anh cho học kỳ cuối cùng. Thời gian tôi ở Anh do đó không được liên tục. Nhưng hai giai đoạn tôi ở đây có điểm chung là đều rơi trọn vào mùa đông. Hai mùa đông ở nước Anh, hai mùa đông ở Xứ sở Sương mù, tôi không cảm thấy lạnh vì quanh tôi tình người luôn nồng ấm...

Họ và tên:    Nguyễn Thị Thảo Nhân
Trường học :Leeds Metropolitan University

Host UK

Tôi viết bài này một ngày sau khi trở về Leeds từ Manchester. Tôi đến Manchester để đón Giáng Sinh cùng đôi vợ chồng người Anh Rob và Anne. Đây là lần thứ hai tôi đón Giáng Sinh cùng họ. Năm ngoái, tôi đến với tư cách là một sinh viên quốc tế tham gia Host UK, một chương trình giúp sinh viên quốc tế hiểu hơn cuộc sống và con người nước Anh bằng cách cho sinh viên nghỉ lại một gia đình người Anh vào cuối tuần hoặc dịp lễ. Năm nay, không qua Host UK, chuyến đi của tôi là để thăm hai người bạn cũ mà tôi quý mến. Rob năm nay 72, đã nghỉ hưu, ở nhà vẽ tranh, làm vườn và tham gia các hoạt động cộng đồng. Anne, 57 tuổi, là nhân viên hành chính của Bệnh viện Hoàng Gia Salford. Từ năm 1987, đôi vợ chồng này đã chào đón bao sinh viên quốc tế đến ngôi nhà của họ.

Đón tôi mùa Giáng Sinh thứ hai, Anne nói: “Mọi thứ vẫn như xưa Nhân ạ, không có gì thay đổi cả”. Và đúng, dẫu một năm đã qua, dẫu tôi đã bao lần thay đổi chỗ ở, dẫu thế giới bên ngoài không ngừng biến động, ngôi nhà nhỏ xinh của Rob và Anne vẫn ấm cúng, vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống với phòng khách trưng bày những bức ảnh gia đình, phòng ăn treo những tấm thiệp Giáng Sinh và tranh của Rob. Và đúng, mọi thứ vẫn như xưa, chủ nhà vẫn ân cần chu đáo, vẫn chăm chút từng món ăn cho khách, vẫn duy trì thói quen nghe phát thanh mỗi sáng, xem truyền hình mỗi tối, uống trà và nhâm nhi bánh quy hoặc bánh ngọt giữa các bữa ăn chính.

Mọi thứ vẫn như xưa, lễ Giáng Sinh ở nhà thờ Elmwood vẫn vui nhộn với phần khoe quà của các em nhỏ, vẫn trang nghiêm với những bài carol được hát lên bằng tất cả lòng thành, vẫn ấm áp với những lời thăm hỏi và chúc nhau “Giáng Sinh hạnh phúc”. Mọi thứ vẫn như xưa, bữa tiệc Giáng Sinh tại nhà Rob và Anne vẫn món gà Tây và bánh pudding thơm ngậy, vẫn pháo giấy và câu đố hóm hỉnh, vẫn Martin và tôi - hai người khách của Giáng Sinh năm ngoái. Cái khác của tiệc năm nay là sự vắng mặt của Betty, Jenny và Manuel - ba người bạn Trung Quốc đã kết thúc chương trình học và về nước. Nhưng bù lại, năm nay chúng tôi có Annie – bạn gái của Martin – cùng dự tiệc.

Những điều vẹn nguyên ở Rob và Anne, những điều không chuyển lay mà tôi cảm nhận qua hai mùa Giáng Sinh ở Manchester, cho tôi thấy sức sống bền bỉ của những giá trị tinh thần nước Anh. Đó là sự hiếu khách, đôn hậu, cởi mở và yêu quý truyền thống của người Anh. Những ngày nghỉ lại nhà Rob và Anne cho tôi cảm giác ấm áp và bình yên. Dù vạn vật đổi thay, tôi biết tôi vẫn còn đây tình cảm của đôi vợ chồng Anh, một tình cảm mãi bên tôi qua thời gian.

Global café

Cùng với Host UK, những hoạt động với Global café cũng để lại cho tôi những kỷ niệm khó quên. Nhờ những chuyến đi và cuộc gặp gỡ do Global café tổ chức, tôi có một nơi để giao lưu kết bạn và xua đi cảm giác trống trải thường đến với một sinh viên xa nhà. Global café cũng là nơi tôi tìm thấy niềm vui, sức sống và tình người trong những ngày đông buốt giá.

Năm ngoái, Rhian - cô bạn đến từ xứ Wales, trưởng Global café ở Leeds - gọi tôi là “cô gái mê du lịch”. Mỗi lần gặp nhau, Rhian thường hỏi “Tuần rồi bạn làm gì?”. Tôi kể tôi đi Roundhay Park, Otley, Wetherby, Skipton[1]..., vậy là được tặng cho biệt danh này. Ngoài Rhian, những người bạn tôi quen ở Global café còn là Joanna - cô bạn Trung Quốc đã tặng tôi quyển sách Những câu hỏi quan trọng nhất trong đời, là Cynthia – cô bạn người Kenya đã cùng tôi nghịch tuyết trong mùa đông thứ nhất ở ký túc xá Mary Morris.

Đặc biệt, tôi có nhiều kỷ niệm với Ruth - cô bạn Ấn Độ sau khi học xong chương trình Thạc sĩ đã ở lại Anh làm việc được 8 năm. Mùa đông năm ngoái, thấy tôi co ro trong buổi tối cùng cả nhóm đi xem pháo hoa Bonfire Night[2], Ruth bảo tôi nên mua đồ nhiệt mặc bên trong cho ấm, đồng thời giới thiệu cho tôi các cửa hàng quần áo giá rẻ. Mùa đông năm nay, gặp lại tôi cũng vào tháng 11, nhìn tôi “cứng cáp” hơn năm ngoái, Ruth bảo: “Bạn chịu lạnh tốt hơn rồi đó”.

Cuộc sống của tôi qua hai mùa đông nước Anh là hai bức tranh đối lập. Mùa đông thứ nhất là bức tranh tươi sáng, khi cuộc sống của tôi ở Leeds hết sức thuận lợi. Tôi hài lòng với mọi thứ (nhà ở, trường lớp, thầy cô, bạn bè). Tôi vui thích với cuộc sống mới. Tôi say sưa khám phá mọi nơi. Đặc biệt, tôi háo hức đón tuyết, sáng nào cũng mở BBC nghe dự báo thời tiết để xem hôm nay tuyết đã về chưa.

Mùa đông thứ hai của tôi không êm đẹp như vậy. Quay lại Leeds vào tháng 11 khi visa chỉ còn hiệu lực 3 tháng, tôi gặp khó khăn trong việc tìm nhà cho thuê ngắn hạn. Cùng lúc đó, tôi chịu áp lực về thời gian khi hạn nộp luận văn đang đến gần, tôi bơ vơ khi nhiều bạn cũ đã về nước. Một nỗi lo nữa là sự bấp bênh về tài chính khi học bổng của tôi sắp cạn. Những nỗi lo và áp lực này, cộng với sự mệt mỏi sau nhiều lần di chuyển và thay đổi nơi ở làm tôi hơi nản lòng và mất đi động lực. Niềm háo hức đón tuyết của tôi không còn nữa...

Nhưng rồi, những buổi sinh hoạt với Global café, bữa tiệc trước Giáng Sinh ở nhà Ruth, lần cùng Ruth và các bạn khác đi nhà thờ xem trẻ em diễn kịch Nativity giúp tôi thấy mình không đơn độc và những người bạn tốt luôn ở quanh tôi. Tôi sẽ mạnh mẽ lạc quan để đi tiếp chặng đường còn lại. Bây giờ, tôi đã có nhà tốt để ở, thủ tục gia hạn visa đãhoàn tất, áp lực thời gian không còn nữa vì trường đã cho tôi thêm thời gian để viết luận văn. Cuộc sống cứ thế mà tươi đẹp hơn thôi, tôi tin vậy.

Kỹ năng sống

Hành trình 15 tháng qua cho tôi nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quý báu. Tôi sẽ mãi nhớ và mang theo bên mình những bài học về kỹ năng sống.

Bài học thứ nhất: Thái độ tích cực. Một sáng mùa đông năm ngoái, trên đường tới trường, tôi gặp Rudiger - người thầy dạy tôi môn Lập kế hoạch và Quản lý Truyền thông. Thầy hỏi tôi cảm nhận về trường lớp, về Leeds, về nước Anh. Tôi, khi ấy đang hết sức yêu đời, đã trả lời thầy là mọi thứ đều tuyệt diệu, và nức nở khen nước Anh đẹp, Leeds đẹp. Tôi còn khoe cuối tuần tôi thường đi chơi đây đó. Thầy nghe rồi cười bảo: “Bạn có thái độ tích cực. Điều này rất quan trọng, bạn sẽ thành công”.

Đó là lần đầu tiên tôi được nghe về thái độ tích cực. Chỉ là một cuộc trò chuyện bên lề, chỉ bằng những câu nói ngắn gọn, nhưng Rudiger đã dạy tôi một bài học vô giá: Hãy luôn nhìn đời qua lăng kính tích cực. Dù cuộc sống có ra sao, hãy luôn lạc quan và tin vào những điều tốt đẹp. Tôi học điều này khi chỉ mới ở Anh được 2 tháng. Về sau, khi gặp nhiều thử thách trong tháng ngày du học, tôi luôn tự nhủ: “Mình phải duy trì thái độ tích cực”. Bài học này đã nâng đỡ tinh thần tôi, giúp tôi vượt qua khó khăn và chạy được đường dài.

Bài học thứ hai: Kỹ năng giải quyết vấn đề. Trước khi sang châu Âu, tôi là một người cầu toàn. Khi làm bất cứ việc gì, tôi luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo, tôi khăng khăng đạt cho bằng được những mục tiêu của mình. Chẳng hạn, trong việc học, tôi luôn muốn bài thi của mình phải tuyệt đối chỉnh chu, tôi luôn muốn đạt kết quả học tập cao nhất... Nhưng quãng đời du học đã cho tôi cách nhìn khác.

Tôi nhận ra cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đẹp, mọi thứ không phải lúc nào cũng phẳng phiu, khó khăn va vấp là một phần không tránh khỏi. Tôi nhận ra mục tiêu của cuộc sống không phải là trở thành người hoàn hảo, mà là một người luôn cố hết sức mình để vươn tới mức hoàn hảo và biết chấp nhận hiện tại nếu điều mình mong đợi không đến. Tôi nhận ra điều quan trọng trong đời không phải là tránh mắc sai lầm, mà là tha thứ cho chính mình mỗi khi mình phạm lỗi và tìm ra giải pháp để sửa chữa sai lầm của mình.

Chặng cuối

Hành trình du học Anh của tôi còn chặng đường 7 tháng nữa. Trong 7 tháng đó, tôi sẽ viết cho xong luận văn có đề tài“Truyền thông của các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam”. Mối quan tâm của tôi về các tổ chức phi chính phủ được ươm mầm từ những ngày tôi học môn Môi trường Doanh nghiệp Toàn cầu ở Leeds, từ biểu trưng màu xanh lá cây bắt mắt của Oxfam[3] mà tôi tình cờ thấy trên đường đến trường. Mối quan tâm này cũng ảnh hưởng định hướng nghề nghiệp của tôi: tôi muốn hoạt động trong lĩnh vực Truyền thông vì Sự phát triển. Tôi rất biết ơn niềm cảm hứng mới trong học thuật và công việc mà nước Anh đã mang đến cho tôi.

Trong 7 tháng còn lại, tôi sẽ khám phá cho bằng hết các ngõ ngách của Leeds và Yorkshire, sẽ đi cho hết các miền tươi đẹp khác của nước Anh (như Wales và Scotland), sẽ đi thăm Bronte Country – quê nhà của tác giả Đồi gió hú, sẽ đến Scarborough – thị trấn được nhắc đến trong bài hát Scarborough Fair nổi tiếng, sẽ đi tình nguyện cho Oxfam, sẽ tham quan BBC để biết cơ sở vật chất và môi trường làm việc của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới...

7 tháng này, sẽ như 15 tháng đã qua, với đủ thuận lợi và khó khăn. Những gì tôi học được về thái độ tích cực và kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ lại được vận dụng. Kết thúc hành trình du học, tôi sẽ nhớ về châu Âu như nhớ một bức tranh có đủ hai gam màu sáng và tối, có đủ ngọt ngào và đắng cay, có đủ nụ cười và nước mắt. Nước Anh trong tôi là hai mùa đông ấm áp với tình người xua tan băng giá. Nước Anh trong tôi là một hành trình mà trên mỗi bước đi, tôi học được nhiều điều và lớn lên nhờ đó...

THẢO NHÂN
Leeds, 29.12.2011